Latest News

Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014

Mùa hè: Giữ cho "chỗ ấy" khỏi nhiễm khuẩn

“Cô bé”, “cậu bé” giống như cửa ngõ vào hệ tiết niệu. Bởi vậy nhiễm khuẩn từ đây dễ lây lan vào hệ tiết niệu và ngược lại nhiễm khuẩn từ hệ tiết niệu dễ ảnh hưởng đến “chỗ đó”. Trời nắng nóng, mồ hôi ra nhiều, nước tiểu bị cô đặc cũng dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu. Tránh nhiễm khuẩn đến vùng nhạy cảm này cách nào để giữ cho “cô ”, “cậu” luôn sạch sẽ thơm tho hấp dẫn? Câu trả lời trong bài viết dưới đây.   
Ai dễ bị  nhiễm khuẩn tiết niệu?
Hệ tiết niệu từ trên xuống dưới gồm :  thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Bình thường cấu tạo của hệ tiết niệu không cho vi khuẩn xâm nhập vào. Nước tiểu cũng có tính kháng khuẩn, ức chế sự  sinh sản của vi khuẩn.
     

Sơ đồ cấu tạo hệ tiết niệu nam
Sơ đồ cấu tạo hệ tiết niệu nam

  
Nhiễm khuẩn tiết niệu thường xảy ra khi vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập vào đường tiết niệu, chủ yếu qua niệu đạo. Bệnh viêm bàng quang thường xảy ra ở phụ nữ do quan hệ tình dục trong điều kiện kém vệ sinh. Vi khuẩn từ hậu môn thường lây lan sang hệ tiết niệu do vệ sinh không đúng cách. Ở phụ nữ, niệu đạo nằm gần âm đạo, nên các bệnh nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục cũng dễ gây viêm niệu đạo. Ở nam giới viêm niệu đạo thường do quan hệ tình dục nhưng vệ sinh kém, bị lây các bệnh lậu, giang mai, tạp khuẩn, sùi mào gà, HIV…
Nhiều nghiên cứu cho thấy có những đối tượng dễ bị nhiễm khuẩn tiết niệu hơn. Ở phụ nữ , do niệu đạo của họ ngắn hơn nam giới, nên vi khuẩn dễ vượt qua để tới bàng quang gây viêm bàng quang. Phụ nữ có sinh hoạt tình dục dễ bị bệnh nhiễm khuẩn hơn, do khi quan hệ tình dục vi khuẩn dễ bị đẩy vào trong niệu đạo. Đối với phụ nữ tuổi  mãn kinh, do suy giảm estrogen làm cho âm đạo, niệu đạo và thành bàng quang trở nên mỏng hơn, dễ rách hơn làm cho họ dễ bị viêm nhiễm hơn. Các bệnh ngăn cản dòng nước tiểu, như u xơ tuyến tiền liệt ở nam giới, sỏi thận ở hai giới dễ gây nhiễm khuẩn tiết niệu. Bệnh nhân tiểu đường có nồng độ đường trong máu và nước tiểu cao vi khuẩn dễ phát triển nên dễ bị viêm tiết niệu. Đối với mọi người, thời tiết nắng nóng, mồ hôi ra nhiều, nước tiểu bị cô đặc cũng dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu.
     

Mùa hè: Giữ cho "chỗ ấy" khỏi nhiễm khuẩn


Ở phụ nữ, niệu quản gần hậu môn nên vi khuẩn từ hậu môn dễ lây lan sang gây nhiễm khuẩn tiết niệu

Nhiễm khuẩn tiết niệu xảy ra như thế nào?  
Hầu hết bệnh nhân bị nhiễm khuẩn tiết niệu sẽ có các triệu chứng như sau: bạn sẽ có cảm giác mót tiểu mạnh và dai dẳng. Lúc đang đi tiểu, bạn cảm nhận có sự nóng rát trong đường tiểu. Bạn bị chứng đái rắt: là tình trạng mỗi lẩn đi tiểu chỉ có một lượng nước tiểu ít hơn bình thường, nhưng vừa đi tiểu xong bạn lại muốn đi tiếp, vì thế bạn phải đi tiểu nhiều lần trong một ngày. Bạn để ý sẽ thấy nước tiểu có lẫn máu, vẩn đục, hoặc có mùi hôi. Kèm theo các triệu chứng kể trên là những triệu chứng đặc trưng cho từng loại bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu.
Nếu viêm thận, bể thận cấp, bạn sẽ bị đau mạn sườn, sốt cao, rét run, buồn nôn hoặc nôn. Với bệnh viêm bàng quang, bạn thấy tức vùng bụng dưới và nước tiểu có mùi hôi. Khi bị viêm niệu đạo bạn thấy nước tiểu có mủ. Đặc biệt ở nam giới, viêm niệu đạo nhất là bệnh lậu, có thể gây chảy mủ ở “cậu bé”.
Các bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu nếu không được điều trị, sẽ dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng như : viêm thận bể thận cấp hoặc mạn tính, gây tổn thương thận vĩnh viễn. Ở phụ nữ mang thai cũng tăng nguy cơ đẻ con nhẹ cân hoặc đẻ non nếu bị nhiễm khuẩn tiết niệu.
Điều trị bệnh ra sao?
Điều trị các bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu chủ yếu phải dùng thuốc kháng sinh. Việc dùng thuốc nào, trong thời gian bao lâu là tuỳ thuộc vào loại vi khuẩn gây bệnh được tìm thấy nhờ xét nghiệm nước tiểu; tùy thuộc loại bệnh, mức độ nặng hay nhẹ. Các thuốc thường được dùng là: cefalexin, ofloxacin,  nitrofurantoin, gentamycin…Đối với những bệnh nhiễm khuẩn cơ quan sinh dục phải dùng thuốc điều trị đặc hiệu cho từng loại bệnh. Bạn phải chú ý là nếu bạn bị dị ứng một loại thuốc nào đó cần nói cho bác sĩ biết để lựa chọn loại thuốc khác có tác dụng tốt với bệnh mà không gây dị ứng cho bạn.
Bình thường, các triệu chứng của bệnh sẽ giảm và hết trong một vài ngày điều trị, nhưng bạn vẫn phải dùng kháng sinh trong một tuần hoặc nhiều hơn theo chỉ định của bác sĩ để diệt trừ hoàn toàn vi khuẩn gây bệnh. Bạn cũng cần ăn uống đủ chất, uống nước đầy đủ, nhất là trong những ngày hè để tránh cho nước tiểu bị cô đặc. Bạn cần uống nhiều nước, nhưng phải tránh cà phê, rượu, nước uống có ga, đồ ăn cay nóng cho đến khi hết nhiễm khuẩn vì những thứ này có thể kích thích bàng quang và làm bạn bị tiểu rắt.
Phòng bệnh cách gì?  
Phòng tránh nhiễm khuẩn đến “cô bé”, “cậu bé”, bạn cần thực hiện các biện pháp như sau : uống nhiều nước kể cả nước canh và nước luộc rau trong những ngày hè. Không bao giờ nhịn tiểu lâu, nếu bạn cảm thấy buồn tiểu thì nên đi ngay. Phụ nữ cần vệ sinh đúng cách: bạn chỉ rửa hoặc lau từ trước ra sau để tránh cho vi khuẩn từ hậu môn lan sang âm đạo và niệu đạo. Bạn nên tắm bằng vòi, tránh ngâm người trong bồn tắm vì vi khuẩn dễ từ nước bồn tắm xâm nhập vào “cô, cậu bé”. Bạn gái cần rửa sạch da vùng quanh âm đạo và hậu môn ngày 2-3 lần hoặc sau mỗi lần đi tiểu. Ngay sau khi giao hợp, bạn đi tiểu càng sớm càng tốt. Bạn nên uống một cốc to khoảng 200ml nước để đi nhiều nước tiểu, nhằm tống vi khuẩn ra ngoài. Điều rất quan trọng là bạn luôn luôn quan hệ tình dục an toàn bằng cách sử dụng bao cao su để phòng tránh các bệnh lây qua đường sinh dục. Bạn cần tránh ăn nhiều các loại thức ăn dễ gây sỏi thận như nội tạng động vật, rau muống, sôcôla, đậu nành, cá khô, thịt khô, mắm….

ThS. Ninh Văn Út
skvđs
Mùa hè: Giữ cho "chỗ ấy" khỏi nhiễm khuẩn
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Top